Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc việc làm và chỉ tiêu biên chế. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, chính sách này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Hàng loạt sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm hoặc “học một đằng, làm một nẻo”, trở thành gánh nặng cho cả người học, gia đình lẫn chính quyền địa phương.
Phạm Văn Kay, đồng bào dân tộc Hre ở Ba Tơ tự thi đậu đại học và trầy trật đi xin việc |
“Nhà nước hỗ trợ thì đủ ăn, còn cái nớ mình chi phí học tập – Sinh hoạt thêm là vay bên sinh viên – Vay bên sinh viên 18 triệu – Anh cũng vay 18 triệu à? Năm 2015 này hết hạn! Nếu mà có công ăn việc làm thì... hiện giờ anh đã trả được sinh viên đó chưa? Chưa, biết lấy đâu trả…”.
Đó là nỗi âu lo của Zơ Râm Him và cũng là tâm trạng chung của các sinh viên hệ cử tuyển ở tỉnh Quảng Nam sau nhiều năm ra trường chưa được bố trí việc làm. Bốn năm theo học cử tuyển, ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước, Zơ Râm Him ở xã Đắk Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam còn phải vay thêm 18 triệu đồng từ chương trình cho học sinh, sinh viên vay hỗ trợ học tập. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mỹ thuật, hơn 4 năm gõ cửa khắp nơi nhưng Him vẫn chưa tìm được việc làm. Cuộc sống đã khó lại gánh thêm khoản nợ hàng chục triệu đồng khiến Him lo đến mất ăn, mất ngủ. Ngày ngày, ngoài bám nương rẫy kiếm hạt lúa, quả bắp; anh còn đi phụ hồ, cày thuê, cuốc mướn, ai gọi gì làm nấy những mong kiếm ít tiền trả nợ ngân hàng.
Zơ Râm Him lo lắng: “Em học xong năm 2011, làm hồ sơ tới bây chừ không có công ăn việc làm. Vay vừa rồi bên sinh viên 18 triệu vẫn còn nợ, gần tới hạn cuối rồi, tháng 11 năm 2015 hết hạn, biết lấy đâu mà trả?”.
ADVERTISEMENT
Cũng như Zơ Râm Him, Đỗ Thị Thảo Vi được huyện Nam Giang cử đi học theo diện cử tuyển chuyên ngành Ngữ văn tại trường Đại học Quảng Nam. Niềm vui lớn dần cùng ước mơ sau này trở thành cô giáo, đem con chữ dạy trẻ em vùng cao thôi thúc Vi chăm chỉ học hành. Nào ngờ, sau khi ra trường, đằng đẵng 4 năm trời, tháng nào Vi cũng băng rừng, lội suối về tận trung tâm huyện nộp đơn xin việc rồi nhận được câu trả lời lạnh lùng “hết chỉ tiêu”.
Vi tâm sự: “Khi tụi em đi nộp hồ sơ thì họ nhận nhưng đến khi họ lập danh sách thì không có. Hầu như ở đây không nằm trong danh sách để họ xét được đi làm nữa”.
Tuy chưa được phân công công tác theo quy định của chế độ cử tuyển nhưng Zơ Râm Him, Đỗ Thị Thảo Vi đã may mắn được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập, ăn ở, đi lại trong suốt thời gian học cử tuyển. Trong khi đó, nhiều sinh viên cũng là con em đồng bào dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ, thi đỗ vào Đại học lại phải tự lo chi phí ăn học. Đến khi tốt nghiệp cầm tấm bằng loại khá, giỏi trên tay, nhiều người vẫn không xin được việc làm. Phạm Văn Kay, dân tộc Hre ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ là một trong nhiều trường hợp như vậy. Năm 2008, Phạm Văn Kay thi đỗ vào Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Quản trị kinh doanh với số điểm khá cao. Cầm giấy báo trúng tuyển Đại học, Kay lo nhiều hơn vui. Gia đình Kay nghèo lắm. Để có tiền cho con đi học, cha mẹ phải bán hết trâu bò, ruộng vườn, rồi vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 25 triệu đồng cho Kay có tiền ăn học. Cả đời lam lũ, cha mẹ hy vọng sau này ra trường, Kay sẽ có công ăn việc làm ổn định, kiếm tiền trả được nợ nần, phụ giúp gia đình, nuôi nấng các em. Năm 2012, Kay ra trường với tấm bằng loại khá, hết ngược xuôi từ huyện Ba Tơ đến huyện Sơn Hà rồi lặn lội khắp mọi nơi ở tỉnh Quảng Ngãi, đến đâu cũng bị từ chối với lý do chỉ tiêu tuyển dụng ưu tiên cho sinh viên cử tuyển.
Số sinh viên cử tuyển tại xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang Quảng Nam chưa được bố trí việc làm gánh trên vai khoản nợ vay ngân hàng |
Nghĩ đến đoạn trường xin việc và khoản nợ 25 triệu đồng, Phạm Văn Kay càng thêm cay đắng: “Khi ra trường, mình cũng thấy bất công. Thực sự cử tuyển cũng là người đồng bào thôi nhưng được hỗ trợ ăn uống, tiền học phí, tiền đi lại, rất thuận lợi, ra trường thì có việc làm. Còn mình lo từ đầu đến cuối, không có một chính sách hỗ trợ gì hết, khi ra trường xin việc chỗ này, chỗ kia họ kêu mình không thuộc chính sách cử tuyển nên không bố trí được”.
Gánh nợ không chỉ trĩu nặng trên vai những sinh viên ra trường chưa có việc làm mà còn oằn vai những bậc cha mẹ một nắng hai sương tần tảo nuôi con ăn học. Nhiều ông cha, bà mẹ bán cả trâu bò, mảnh đất ông bà để lại, thậm chí cầm cả sổ đỏ lấy tiền cho con đi học, những mong con mình có công ăn việc làm ổn định. Bây giờ, con ra trường không có việc làm, trâu bò cũng đã bán, ruộng vườn không còn lại thêm nợ nần, họ như ngồi trên đống lửa.
Bà Trần Thị Tuyết Lan, dân tộc Cadong ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, mẹ của bạn Đinh Thị Nhe, sinh viên cử tuyển ngành Luật, than ngắn thở dài: “Khi con được nhà nước cho đi học, mình mừng lắm, cầm sổ đỏ đi vay tiền ngân hàng, bán thêm con bò, con heo cho con ăn học. Giờ con ở nhà một năm, thương lắm mà không biết làm sao”.
Huyện miền núi Nam Giang là địa phương có số lượng sinh viên cử tuyển nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam. Nơi đây hiện rất nhiều trường hợp cử tuyển học xong vẫn chưa có việc làm. Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, huyện có 249 em được cử đi học nhưng mới 44 em được bố trí việc làm: “Số lượng học sinh ra trường theo cử tuyển ngày càng đông. Đây cũng là việc hết sức khó khăn của địa phương trong công tác bố trí việc làm cho các em. Chúng tôi có đề nghị với tỉnh cố gắng xem xét bố trí, tạo điều kiện cho các em được công tác không chỉ riêng ở huyện mà kể cả các huyện khác nữa, trong đó có các sở, ngành của tỉnh”.
Cho đến nay, tỉnh Quảng Nam có 1.372 trường hợp được cử đi đào tạo hệ cử tuyển. Đã có 408 sinh viên tốt nghiệp nhưng mới bố trí việc làm cho hơn một nửa trong số này, gần một nửa còn lại đang thất nghiệp, chờ việc. Còn ở tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng này cũng không mấy sáng sủa. Từ năm 2008 đến năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi đã cử tuyển 873 trường hợp; đến nay mới có 166 người được phân công công tác, phần lớn còn lại chưa được bố trí, sắp xếp công việc.
Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương hiện nay khác với xưa rồi, gần như bão hòa rồi và các nguồn tuyển sinh đầu vào của địa phương khó khăn về cán bộ không còn như trước đây nữa. Trong khi nhà nước chúng ta lại bỏ chi phí đào tạo rồi về không bố trí được việc làm cũng là vấn đề bất cập”.
Chính sách cử tuyển của Đảng và Nhà nước ta thể hiện sự ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, chính sách này đã và đang bộc lộ những điều bất hợp lý. Hàng loạt sinh viên hệ cử tuyển ra trường không có việc làm hoặc “học một đằng, làm một nẻo”, trở thành “gánh nợ cử tuyển”, lãng phí tiền của Nhà nước. Hiện nay, nhiều địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã “nói không” với cử tuyển. Vì sao thực hiện một chính sách đúng lại xảy ra những câu chuyện buồn? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài tiếp theo./.
- Số sinh viên cử tuyển tại xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang Quảng Nam chưa được bố trí việc làm gánh trên vai khoản nợ vay ngân hàng |
- Số sinh viên cử tuyển tại xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang Quảng Nam chưa được bố trí việc làm gánh trên vai khoản nợ vay ngân hàng |