Thí sinh T.H. L ở Hà Giang cho biết em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Ngoại thương, nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Hà Nội. Trước đó, H. L đã trúng tuyển tạm thời vào ĐH Ngoại thương bằng xét điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ 3 năm và em đăng ký là nguyện vọng 1. Tuy nhiên, điều kiện cần là điểm trung bình năm lớp 10 của em không đạt 7,0 như Trường ĐH Ngoại thương quy định nên H.L không trúng tuyển nguyện vọng 1. Căn cứ điểm chuẩn của Trường ĐH Hà Nội vừa công bố và kết quả thi tốt nghiệp THPT, em đỗ nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Hà Nội chuyện ngành ngôn ngữ Trung Quốc chất lượng cao. Tuy nhiên, H.L không có tên trong danh sách trúng tuyển tại Trường ĐH Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương nên rất lo lắng. Em đã gửi email đến Trường ĐH Hà Nội để nhà trường xem xét và hỗ trợ.
Chưa năm nào thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển lại vất vả như năm nay Ảnh: Nghiêm Huê |
Năm nay, những trường hợp thí sinh “lơ lửng” không biết đã trúng tuyển trường nào không hiếm. Một chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH lớn ở phía Bắc khẳng định, có nhiều điều chỉnh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay trong khi hệ thống chưa thích ứng kịp nên các trường gặp nhiều khó khăn. Vị này lấy ví dụ, cho đến thời điểm hiện tại, có một số lượng không nhỏ thí sinh thuộc diện dự bị ĐH, thí sinh đã trúng tuyển thẳng các trường khác nhưng không xác nhận nhập học, trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển của trường, nhưng không có dữ liệu chuyển về. Như vậy, có thể coi những thí sinh này là tạm thời trúng tuyển ảo.
Băn khoăn phần mềm hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định gom tất cả các phương thức xét tuyển, các tổ hợp xét tuyển (trừ phương thức tuyển thẳng theo Quy chế) lên hệ thống. Chính vì để tất cả dữ liệu vào một “rổ” trong khi phần mềm chưa được triển khai thí điểm trước đó nên đã dẫn đến nhiều lỗi.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, bản chất sự phức tạp đến từ dữ liệu, không phải phần mềm. Mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển và có tên gọi khác nhau, khi đưa lên hệ thống của Bộ GD&ĐT phải quy về vài mã cộng với tên phương thức, dẫn đến thí sinh dễ nhầm lẫn.
PGS Đỗ Văn Dũng đề nghị năm sau, Bộ GD&ĐT không nên ôm quá nhiều dữ liệu như năm nay trong khi cơ sở hạ tầng và nhân lực vận hành hệ thống có hạn.
Bên cạnh đó, phần mềm của Bộ GD&ĐT có nhiều vấn đề cần phải cập nhật (phần mềm không có hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên chính sách) dẫn đến việc thí sinh khai tự do và phần mềm không kiểm tra được khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên sai so với quy chế. Đồng thời, phần mềm không kiểm tra được các nguyện vọng xét tuyển sớm của thí sinh với dữ liệu xét tuyển sớm của trường khi đổ vào hệ thống của Bộ dẫn đến việc nhiều thí sinh chọn sai phương thức, chọn sai ngành, chọn sai tổ hợp khi đăng ký nguyện vọng gây ra nhiều rắc rối, phức tạp cho các trường và hệ thống.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, đề xuất Bộ GD&ĐT nên quay về phần mềm xét tuyển năm 2021. Trong đó, Bộ GD&ĐT chỉ hỗ trợ phần xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức xét tuyển khác để các trường tự lo, chỉ cần quét mã của giấy chứng nhận kết quả thi THPT để giảm ảo. Còn hai nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam sẽ lo việc của mình như mấy năm qua. Khi đó, việc xét tuyển sẽ đơn giản và không xảy ra những lỗi không đáng có như năm nay.