Theo số liệu 2011, Việt Nam đã đón và phục vụ 5,5 đến 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 25 đến 26 triệu lượt khách nội địa. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu trên trong tương lai gần, số lượng khách sạn sẽ phải phát triển mạnh cả về chất lẫn về lượng. Cùng với đó, một đội ngũ chuyên viên có khả năng quản lý khách sạn (QLKS) trở thành một trong những nhu cầu cấp thiết trong chiến lược quốc gia phát triển về du lịch Việt Nam.
Cần nhìn nhận ngành này ở một góc độ chuyên nghiệp. Không chỉ đơn thuần là công việc của nhân viên lễ tân hay phục vụ phòng mà phải đòi hỏi một lực lượng nhân sự cao cấp trong lĩnh vực điều hành, lập kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu đầu tư...cùng với một môi trường làm việc cao cấp, lịch sự mà không phải ngành nào cũng có được.
Đặc biệt, lĩnh vực này còn mang lại cho những người làm việc ở vị trí quản lý, điều hành một khoản thu nhập cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội để tương xứng với năng lực làm việc.
Tất nhiên, để tiến thân trong bất kỳ ngành nghề nào, bạn cần trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ những vị trí phục vụ, tạp vụ, lễ tân để dần thích nghi với môi trường công việc và tiếp tục phát triển đến những vị trí quản lý, điều hành về sau.
Để có thể đảm nhiệm tốt công viêc của một chuyên viên quản trị du lịch - nhà hàng và khách sạn, bạn cần nắm vững các kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm về lập kế hoạch, quản lý và giám sát các quy trình và dịch vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí. Nắm bắt thông tin chính xác về sản phẩm, quy trình, công nghệ và việc làm trong ngành. Đồng thời, có kiến thức và hiểu biết để khám phá các mối quan hệ làm việc tuyệt vời giữa các lĩnh vực đa dạng trong ngành dịch vụ du lịch này.
Việc quản lý và tổ chức các hoạt động của nhà hàng - khách sạn phải hiệu quả và hợp lý. Công việc chính thường bao gồm giám sát hoạt động của các bộ phận (tiền sảnh, nhà bếp, phục vụ phòng...), lập các báo cáo kết quả tài chính, các bản thu, chi; quản lý số phòng bán ra và phòng còn trống; chế biến thực phẩm; giải quyết khiếu nại của khách hàng, đào tạo, huấn luyện nhân viên... Ngoài ra, còn rất nhiều việc không tên khác mà người làm quản lý phải giám sát, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả. Điều đặc biệt quan trọng là người làm quản lý nhà hàng - khách sạn phải có kỹ năng, chiến lược để tiếp thị, thu hút ngày càng đông khách hàng đến với doanh nghiệp để tạo ra lợi nhuận cao nhất'.
Yêu cầu về kiến thức - kỹ năng:
Biết lắng nghe, nhạy cảm, tâm lý để tạo thiện cảm với khách hàng.
Hình thành được các nhóm làm việc và điều hành được hoạt động của nhóm.
Chủ động trong mọi tình huống, có khả năng làm việc độc lập cao.
Tác phong linh hoạt, tươi tắn, thân thiện, giúp đỡ mọi người, ứng xử thông minh và khéo léo.
Khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và ngoại ngữ tốt.
Quản lý thời gian làm việc hiệu quả, không ngại khó.
Nhu cầu tuyển dụng:
Ngành dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn tại Việt Nam đang có những sự phát triển vượt bậc, chính vì thế hàng loạt các dự án xây dựng, trùng tu khách sạn; các khu du lich, vui chơi giải trí liên tục được thực hiện, đầu tư. Điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều khách sạn khai trương trong những năm tới, và hàng ngàn cơ hội nghề nghiệp đang mở ra cho các bạn theo học ngành này.
Sau khi tốt nghiệp ngành này, bạn sẽ sở hữu những kiến thức cho phép công tác tại các vị trí trực tiếp phục vụ khách tại khách sạn như: bộ phận Tiền sảnh (Font Office), quản lý bộ phận Nhà hàng (Food & Beverage) và quản lý bộ phận Phòng (Housekeeping) trong các khách sạn và nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, hoặc làm việc trong các cơ quan quản lý du lịch hoặc các công ty lữ hành tại các vị trí như cán bộ điều hành, tiếp thị, nhân sự, tài chính, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước.
Thu nhập của nghề quản lý nhà hàng - khách sạn là khá cao, 10 - 18 triệu/tháng đối với những KS cỡ trung, còn ở những KS hạng 3 - 5 sao, thu nhập có thể đạt từ 2.000 USD/tháng trở lên. Bên cạnh đó còn có nhiều khoản thu nhập khác như thưởng doanh thu, đi du lịch nước ngoài, tham gia các đợt tập huấn...