Tốc độ phát triển của ngành Du lịch thời gian gần đây, kéo theo nhu cầu ngày càng gia tăng về nguồn nhân lực. Những con số về lượng khách du lịch không ngừng gia tăng trong những năm qua là tín hiệu vui cho nền "công nghiệp không khói" này. Tuy nhiên, dù mức thu nhập của nghề hướng dẫn viên lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng các đơn vị lữ hành vẫn không tìm đủ ứng viên so với nhu cầu thực tế về cả số lượng và chất lượng bởi những khó khăn, vất vả của nghề không phải ai cũng chịu đựng được.
Với ý nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau, không ít bạn đã ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch hoặc theo đuổi một nghề nào đó thuộc ngành này.“Khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa mới, con người thú vị… là mong ước cháy bỏng của mình từ rất lâu rồi. Thế nên khi thi đậu vào khoa Du lịch, mình mừng lắm. Nó là khởi đầu thuận lợi để mình từng bước thực hiện ước mơ” - Lê Thị Thu Hường sinh viên năm hai của khoa Du lịch, ngành Quản trị Dịch vụ Lữ hành, trường ĐH Văn Hiến TP.HCM chia sẻ lý do mình học ngành Du lịch hiện tại.
Tuy nhiên với những chuyến đi dài ngày, thời gian làm việc luôn thay đổi… là những mặt trái của nghề thì không phải ai cũng hiểu. Đã có rất nhiều bạn bị gia đình phản đối khi lựa chọn ngành học này bởi những bậc phụ huynh luôn muốn con mình làm nghề gì đó an nhàn hơn việc vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất ít, di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc... khiến cho sức khỏe ảnh hưởng. Làm nghề hướng dẫn viên bạn có thể bị mất ngủ, khó thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình của bạn là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Đôi khi bạn còn phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách du lịch trong mỗi chuyến đi, điều này có thể khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người phải gánh chịu.
Do vậy, hướng dẫn viên du lịch phải tự trang bị cho mình những kiến thức văn hóa, ngoại ngữ tốt, hiểu biết phong tục các nơi và một bản lĩnh nghề nghiệp để ứng phó với bất kỳ tình huống phát sinh nào trong suốt thời gian dẫn tour ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mặc dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng: “Để chuẩn bị hành trang khi ra trường, ngoài niềm say mê đối với những trang sách, Hường còn rất đam mê đi du lịch bụi và thường cùng bạn bè tổ chức đi du lịch ở những địa điểm mới. Trong những chuyến đi ấy, bao giờ Hường cũng tìm hiểu về lịch sử văn hóa, địa lý, những câu chuyện truyền thuyết… của vùng đất Hường đặt chân tới. Vừa thỏa mãn đam mê mà còn là hành trang quý báu cho nghề nghiệp của Hường sau này…” Thu Hường chia sẻ.
Tham gia nhiều hoạt động tích lũy kinh nghiệm từ khi đi học là điều rất có ích đối với những bạn muốn theo đuổi ngành này.
Bên cạnh việc học tập ở trường ra, để theo đuổi và dễ dàng thành công, nhiều bạn đã phải vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm. Vì vốn dĩ nghề này cần rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế thì khi ra trường mới dễ dàng được nhận vào một công ty nào đó. Điển hình là bạn Thu Hường, những lần tham gia các lớp tập huấn cán bộ đoàn hội trại thanh niên ,vì đàn em thân yêu… và từng đoạt giải Nhì 2 năm liên tiếp tại hội thi thuyết trình hướng dẫn du lịch chính là những trải nghiệm giúp cho Hường vững tin khi ra trường. Thu Hường chia sẻ thêm: "Các bạn đang có ước mơ tương lai bước vào ngành Du lịch thì ngay từ bây giờ nên rèn luyện sự năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát, kỹ năng thuyết trình truyền cảm thu hút người nghe của mình từ chính những cuộc thi thường niên do nhà trường tổ chức. Những cuộc thi, hoạt động thanh niên… sẽ rất bổ ích với sinh viên như Hường bởi nó không chỉ là sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao sự tự tin, năng động, nhanh nhạy mà còn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho Hường và các bạn khác một cách thiết thực nhất, cách dung nạp kiến thức nhanh, hiệu quả hơn cả”.
Việc học tập những thầy cô là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ trong ngành tại các trường truyền đạt kiến thức, thắp lửa nhiệt huyết, niềm đam mê với kiến thức chính là nền tảng vững chắc cho những ai đang ước mơ theo đuổi ngành này. Nhà trường luôn tạo cơ hội cho sinh viên được ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, tạo điều kiện cho đi theo tour du lịch của các công ty du lịch để phụ làm hướng dẫn viên và học hỏi kinh nghiệm… Mặt khác, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một yêu cầu vô cùng quan trọng đối với ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn… đội ngũ nhân viên ngành du lịch có khả năng nghe nói tốt bằng tiếng Anh sẽ góp phần thu hút và phục vụ tốt cho nhiều khách du lịch nước ngoài, làm họ hài lòng để giữ họ lưu trú dài ngày hơn, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt, đất nước Việt đến với bạn bè thế giới.
Du lịch Việt Nam đang có nhiều cơ hội trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với nhu cầu nhân lực ngày càng tăng. Bạn trẻ yêu thích ngành này cần phải tham khảo, chọn lựa môi trường đào tạo chất lượng uy tín để có thể chuẩn bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết cho niềm đam mê của mình.