TP HCMĐại học Bách khoa, Kinh tế - Luật, Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng học phí gấp đôi so với năm ngoái; Đại học Quốc tế Hồng Bàng thu học phí cao nhất 220 triệu đồng.
Trong phương án tuyển sinh được công bố cuối tuần trước, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu học phí các ngành Y khoa, Dược học, Răng hàm mặt là 32 triệu đồng mỗi năm; các ngành cử nhân thu 28 triệu đồng. Học phí này chưa gồm hai học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành.
Mức phí tăng mạnh so với năm ngoái (sinh viên có hộ khẩu tại TP HCM đóng 14,3 triệu; hộ khẩu ngoài TP HCM đóng 28,6 triệu) áp dụng cho tất cả sinh viên, không phân biệt hộ khẩu.
Là trường thuộc UBND TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo nhân lực ngành y cho thành phố và được ngân sách hỗ trợ, nhưng đến năm 2018 trường thực hiện tự chủ. Theo tính toán của trường này, tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên những năm trước là khoảng 30 triệu đồng.
Học phí dự kiến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm học 2021-2022.
Cũng ở khối ngành y, từ năm ngoái, Đại học Y dược TP HCM tăng học phí từ 13 triệu đồng lên 70 triệu đồng áp dụng cho ngành Răng hàm mặt. Ngành Y khoa thu 68 triệu đồng, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu, Dược học 50 triệu, các ngành còn lại 30-40 triệu.
Năm nay, dù chưa công bố học phí nhưng theo lộ trình đã đề ra, khả năng học phí từng ngành tăng thêm 10%. Sở dĩ trường tăng học phí vì thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Trước đó trường thu học phí theo Nghị định 86/2015 dành cho trường chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên.
Năm nay, trường Đại học Bách khoa TP HCM (Đại học Quốc gia TP HCM) dự kiến tăng học phí với tất cả ngành đào tạo, trong đó mức học phí chương trình đại trà tăng hơn gấp đôi - từ 12 triệu đồng một năm lên 25 triệu đồng (tương đương 2,5 triệu đồng mỗi tháng cho năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ hai và lên 30 triệu đồng ở năm thứ ba, giữ nguyên trong năm cuối.
Với chương trình tăng cường tiếng Nhật, học phí dự kiến 50 triệu đồng một năm, giữ ổn định trong 4 năm học; chương trình tăng cường tiếng Anh lên 66 triệu đồng một năm.
Đại học Kinh tế - Luật dự kiến thu học phí chương trình đại trà là 18,9 triệu đồng một năm học, tăng gấp đôi so với mức hiện tại (9,8 triệu đồng). Chương trình chất lượng cao, chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp trung bình 27,8 triệu đồng/năm học; chất lượng cao bằng tiếng Anh trung bình 46,3 triệu đồng.
Đại học Công nghệ Thông tin cũng tăng học phí lên 5-7 triệu đồng cho mỗi năm học tiếp theo ở các chương trình đại trà. Học phí chương trình chất lượng cao, tiên tiến đều tăng mạnh qua các năm, cụ thể:
Hệ đào tạo | Học phí (đơn vị tính: triệu đồng) | |||
Năm học 2021-2022 | Năm học 2022-2023 | Năm học 2023-2024 | Năm học 2024-2025 | |
Chính quy | 25 | 20 | 25 | 42 |
Chất lượng cao | 35 | 40 | 40 | 42 |
Tiên tiến | 45 | 50 | 50 | 55 |
Liên kết (Đại học Birmingham City; 3,5 năm) | 80 | 80 | 138 |
Là trường thành viên khác của Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc tế cũng tăng học học phí năm học 2021 lên 50 triệu đồng; các năm tiếp theo dự kiến tăng lên 55 triệu, 60 triệu rồi 65 triệu đồng. Với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, hai năm đầu có học phí 50-77 triệu đồng, hai năm cuối học phí theo chính sách học phí của từng ngành của trường đối tác.
Tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, học phí tăng nhẹ theo lộ trình. Hệ đại trà của trường này thu 18,5-20,5 triệu đồng mỗi năm, tăng khoảng một triệu đồng. Hệ chất lượng cao tiếng Việt trường thu 29-31 triệu đồng, chất lượng cao tiếng Anh 33 triệu đồng.
Đại học Sài Gòn cũng tăng học phí chương trình chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin từ 29,7 triệu đồng lên 32,6 triệu. Các ngành còn lại vẫn được thực hiện theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Với gần 8.000 chỉ tiêu, Đại học Công nghiệp TP HCM thu học phí khối kinh tế 23 triệu đồng mỗi năm, khối công nghệ 25 triệu đồng, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm không quá 10%.
Tương tự, nhiều trường khác như Đại học Luật TP HCM, Kinh tế TP HCM cũng tăng học phí trong năm nay.
Ở khối tư thục, Đại học Quốc tế Hồng Bàng có mức học phí cao nhất 220 triệu đồng mỗi năm ở ngành Răng hàm mặt, Y đa khoa chương trình tiếng Anh. Với chương trình cử nhân đại trà, ngành Răng hàm mặt và Y đa khoa thu 182 triệu đồng; ngành Dược 55 triệu; các ngành khác 25 triệu đồng.
Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) thu 36-40 triệu mỗi năm, riêng ngành Dược học 46 triệu đồng, tăng 5% so với năm ngoái. Học phí tại Đại học Văn Lang năm nay dao động 40-54 triệu đồng, ngành Răng hàm mặt dự kiến 160-180 triệu.
Thí sinh đăng ký dự thi xét tuyển đại học tại Đại học Công nghệ TP HCM hồi tháng 3. Ảnh: Nguyễn Phương.
Theo đại diện các trường đại học, thực tế từ nhiều năm nay, chi phí đào tạo cho một sinh viên cao hơn so với học phí thu. Chi phí này được bù bởi nguồn ngân sách nhà nước được cấp, doanh nghiệp đầu tư và các nguồn thu từ chuyển giao khoa học công nghệ của trường. Khi thực hiện tự chủ, không còn bao cấp ngân sách, các trường phải cân đối thu chi để đảm bảo việc đào tạo, cơ sở vật chất và tiền lương giảng viên.
TS Nguyễn Quốc Anh, Hiệu phó trường Hutech, cho biết có 2 lý do tăng học phí: tăng nhằm bù trượt giá của thị trường, đảm bảo chế độ lương cho giảng viên, nhân viên; có khoản dư để tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh viên. "Mức tăng 5% theo lộ trình đã được thông báo với phụ huynh và sinh viên. Nhà trường phải cân đối để đảm bảo khả năng chi trả của người học cũng như đảm bảo chi phí vận hành, đào tạo", ông nói.
Cùng quan điểm, PGS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng việc tăng học phí khi thực hiện tự chủ đại học là tất yếu. Dù học phí tăng nhưng thực tế ở nhiều trường mức thu vẫn chưa đủ so với chi phí đào tạo.
Chẳng hạn, tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí 32 triệu một năm là thấp so với mặt bằng chung các trường đào tạo Y dược trong nước, còn so với các trường ở khu vực thì thấp hơn 10-15 lần. "Mức tăng học phí của trường không quá cao để không tạo khó khăn cho sinh viên. Đây xem là cách để sinh viên và nhà trường cùng chia sẻ với nhau", ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, chi phí đào tạo ngành Y dược thường gấp 4-5 lần các ngành nghề khác. Nếu học phí không tăng, trường không có kinh phí trả lương cao giữ chân giảng viên giỏi, những người vốn có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập hấp dẫn ở môi trường tư.
Trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng thực hành cho ngành Y rất tốn kém, không có kinh phí sẽ không đủ mua sắm. Ngay cả việc thực hành lâm sàng ở các bệnh viện, trường cũng gặp khó nếu không có nguồn thu. "Hiện các bệnh viện đa phần tự chủ, khi trường gửi sinh viên thực tập thì cần chia sẻ kinh phí thực hành với họ. Nhiều năm trước, chúng tôi phải năn nỉ họ thu mức thấp nhất hoặc miễn phí cho sinh viên của mình, nhưng lâu dài thì không ổn", ông Xuân chia sẻ.
Dù tăng học phí, song các đại học cam kết tăng các gói học bổng, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Những em học giỏi, nhà nghèo có thể được miễn học phí suốt khoá học.
Mạnh Tùng