Làm xuất nhập khẩu có nhiều cơ hội thăng tiến?
TTO - * Em học ĐH chuyên ngành kinh tế quốc tế. Nếu đúng theo chuyên ngành khi ra trường em sẽ làm về xuất nhập khẩu. Nhưng hiện tại em chưa biết gì về công việc xuất nhập khẩu.
Rất mong chương trình giải đáp giúp em về: các công ty nổi tiếng hiện nay, cơ hội thăng tiến, lương bổng, quy trình tuyển dụng, công việc, các yêu cầu, và làm việc ở địa phương nào...(Đồng Trung Đức).
- Chào bạn. Một số công việc mà nhân viên xuất nhập khẩu đảm nhiệm gồm:
+ Hoàn tất các thủ tục và chứng từ xuất nhập khẩu hàng hóa như: hợp đồng mua bán, bộ chứng từ vận chuyển, bộ chứng từ xuất nhập khẩu, các thủ tục thanh toán, các thủ tục giao nhận hàng hóa…
+ Lưu trữ và theo dõi hồ sơ xuất nhập khẩu.
+ Thương lượng với các đối tác
Nhân viên xuất nhập khẩu thường làm việc trong một môi trường năng động, thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với nhiều khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Vì vậy nghề này đòi hỏi ứng viên những tố chất cần thiết như:
+ Giỏi ngoại ngữ: đây là một yêu cầu bắt buộc vì tiếng Anh là ngôn ngữ chung giúp việc giao lưu và thương lượng được hệ thống hóa. Đặc biệt, bạn cần có vốn từ trong những hợp đồng kinh tế quốc tế, hợp đồng ngoại thương… để đảm bảo yêu cầu cơ bản của công việc này.
+ Năng động: tố chất này giúp bạn nhạy bén trong việc am hiểu thị trường quốc tế, văn hóa của các quốc gia cũng như tình hình biến động của kinh tế thế giới.
+ Am hiểu các thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu.
+ Am hiểu luật pháp quốc tế về ngoại thương.
Về cơ hội nghề nghiệp, bạn có thể lựa chọn làm ở bộ phận xuất nhập khẩu của một công ty hay làm việc ở đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận vận tải (Logistic & Forwarding).
Tại các công ty giao nhận vận tải, bạn có thể làm những công việc đặc trưng như sau:
• Bán hàng (sales); • Chăm sóc khách hàng (customer service); • Chứng từ (documentation); • Khai thác (operation); • Thông quan (customs clearance); • Quản lý vận tải bộ (trucking operation).
Hiện nay bạn có thể tham khảo cơ hội việc làm ở một số công ty kinh doanh trong lĩnh vực giao nhận vận tải khá thành công tại Việt Nam như: Vinatrans, Sotrans, Vinalink, Kuehne & Nagel, Schenker…
Về quy trình tuyển dụng, mỗi công ty đều có quy trình riêng nhưng tối thiểu bạn sẽ trải qua hai vòng phỏng vấn: vòng sơ tuyển và vòng chuyên môn. Ở vòng phỏng vấn sơ tuyển, bạn sẽ phải vượt qua những câu hỏi về bản thân, thể hiện kỹ năng và tố chất. Còn vòng phỏng vấn chuyên môn, bạn sẽ đối diện với những câu hỏi tình huống trong nghề nghiệp để xác định sự phù hợp giữa bạn và yêu cầu công việc.
Thường bạn sẽ trải qua hai vòng phỏng trong vòng 14 ngày, tuy nhiên kết quả phỏng vấn nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào quy trình của mỗi công ty.
Nhìn chung công việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tương đối ổn định, thu nhập khá cao. Tuy nhiên người theo nghề này ít có cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý cao hơn.
Hi vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin về nghề xuất nhập khẩu. Chúc bạn sớm tìm được công việc phù hợp!
NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC (trưởng nhóm tư vấn tuyển dụng website Kiemviec.com)